Tết sớm dành cho học sinh vùng cao

Xuất phát từ lòng tương thân tương ái, trường Tiểu học Trung Văn đã xây dựng quỹ “Vòng tay yêu thương” từ năm 2010 do cô Lan Hương – Hiệu trưởng nhà trường sáng lập. Quỹ không chỉ giúp đỡ các em học sinh nghèo trong nhà trường và còn giúp đỡ các em học sinh miền núi còn nhiều khó khăn vất vả. Sau những chuyến đi thực tế, nhìn hình ảnh ngôi trường không có nước sạch sử dụng, các em học sinh không có đủ sách vở, quần áo, những đôi chân trần vẫn ngày ngày đến trường trong thời tiết giá lạnh đã khiến chúng tôi không thể đứng nhìn. Nối tiếp các hoạt động Chung tay vì học sinh miền núi, nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Mùi 2015, cô Hiệu trưởng đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các bậc cha mẹ học sinh cùng những người bạn chung tay mang đến cho các em học sinh miền núi một cái Tết ấm áp hơn. Với 400 chiếc chăn ấm, 400  áo len, 400 xuất túi quà Tết và hàng nghìn chiếc quần áo cũ được  thầy cô và các bạn học sinh trong trường đóng góp, gói gém cẩn thận bằng tất cả sự yêu thương, trân trọng phát tận tay cho học sinh người H’Mông và nhân dân của 5 điểm trường Hua Đán, Tà Làng, Bó Mon, Tả Phình – Mộc Châu, Yên Châu – Sơn La. Tổng số quà đã lên tới hơn  100 000 000 đồng.
Đêm 30 tháng 12, cả trường nhộn nhịp đông như hội để đóng hàng chuẩn bị lên đường. Mọi công việc hoàn tất vào lúc 23 giờ.

Hàng hóa và quà Tết cho các con đã sẵn sàng
Xe hàng đã xếp xong

Ngày 31tháng 12,  5 giờ sáng xuất phát từ trường tiểu học Trung Văn – Nam Từ Liêm – Hà Nội, xe lăn bánh càng xa Hà Nội càng khó đi, sương mù dày đặc khiến cho thời gian đến với các em học sinh và dân bản chậm hơn dự kiến. Ai cũng nóng lòng, sốt ruột sợ các em phải chờ lâu trong thời tiết giá buốt. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là điểm trường chính trường PTCS Tà Làng với khoảng hơn 100 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 và thầy Hưng – Hiệu trưởng – một người thầy giáo trẻ người Kinh nhưng vô cùng tâm huyết với nghề. Chính cô Hương là người đã mang nguồn nước đến với ngôi trường này khi nghe thầy Hưng  tâm sự các em ở nội trú không có nước sinh hoạt, một tuần các em bán trú chỉ có 1 can nước xách từ nhà đi để dùng ăn uống và giúp cô giáo rửa tay, giặt khăn lau bảng. Tới đây, chúng tôi gửi tặng hàng nghìn bộ quần áo cũ, 100 chiếc quần bò mới và hơn 100 thùng mì tôm cho cả thầy và trò tại trường Tà Làng điểm Trung tâm.


Chuyển quà đến điểm trường trung tâm – PTCS Tà Làng
Thầy giáo Lê Hưng – Hiệu trưởng trường PTCS Tà Làng đang chờ học sinh và dân bản đến phát quần áo 

Sau điểm trường chính chúng tôi tiếp tục đến Bó Mon điểm trường của PTCS Tà Làng (bao gồm cả mầm non và Tiểu học) 1 điểm trường nằm trên núi cao, khó khăn nhất với 100% các em là người H’Mông. Nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, cha mẹ đi nương rẫy có khi mất trên núi không về được với các con. Đến đây, tôi khồng thể quên được cảm xúc lần đầu tiên với Bó Mon cách đây 1 năm. Trên con đường cheo leo, 1 bên là vực, 1 bên là núi, chúng tôi hồi hộp không biết hình ảnh gì sẽ hiện ra. Gần đến nơi, một ngôi trường nhỏ bé nằm trên một mảnh đất nhỏ bằng phẳng sát sườn núi, mái ngói chỗ thủng, chỗ vá mờ mờ xuất hiện trong màn sương của mùa xuân. Vang lên khắp núi đồi là bản nhạc Đi học xa, một điệu múa mà các em học sinh nơi đây đã tập luyện để chào đón chúng tôi.Tiếng leng keng của bộ váy H’Mông đẹp nhất mà các em để giành đến ngày hôm đó mới mặc, bàn tay nhỏ bé, đôi chân trần uyển chuyển nhún nhảy trên nền bài hát. Mùi đất, mùi cỏ như quyện vào với nhau thơm lạ lùng. “Hôm nay đi học xa, đường tương lai về gần”, lời bài hát làm tất cả những người trong đoàn hôm đó đều không kìm được cảm xúc của mình.  Chúng tôi được trở lại nơi đây bằng những chiếc xe chở ngô ( xe ô tô u oat) đưa lên núi. Ai đã được ngồi chiếc xe này thì có lẽ không bao giờ quên được cảm giác hồi hộp khi vượt qua chặng đường đó. Không khí thật ấm cúng khi tất cả bà con dân bản đều kéo đến chào đón chúng tôi. Những bộ quần áo rét lần trước chúng tôi mang cho các em nay vẫn được các em mặc nhưng đã đổi màu và có chỗ rách, đôi lúc lại thấy xuất hiện một vài chiếc áo Trung Văn, cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn. Anh chị em trong đoàn khá mệt nhưng để kịp đến điểm trường tiếp theo ai nấy đều nhanh chóng bắt tay vào chia quà cho các em ngay. Mỗi người một việc, chúng tôi chuyển đến tận tay các em học sinh những chiếc chăn, những túi quà Tết với bánh kẹo và mứt, nhìn khuôn mặt các em lấm lem bùn đất, nhưng bạn nào cũng cười thật tươi vì được nhận quà. Nhiều em bé chưa nói được tiếng Kinh nhưng cũng cúi đầu lễ phép cảm ơn chúng tôi. Có những em chưa được 1 tháng tuổi đã được mẹ địu đến để chào đón, nhìn em ngủ ngon lành làm chúng tôi thấy thật bình yên. Chính sự mộc mạc và những nụ cười hồn hậu nơi đây đã tiếp cho chúng tôi sức mạnh. 4 giờ chiều, chúng tôi được ăn bữa trưa cùng với các thầy cô ở trường Bó Mon, bữa ăn diễn ra nhanh chóng và ai cũng nuối tiếc, nhưng không thể lâu hơn được, vẫn còn 1 nơi nữa đang đợi chúng tôi đến, nếu không trời sẽ tối và không xuống núi kịp. 

Đường lên bản
Hàng hóa và quà Tết đã đến với các con tại điểm trường Bó Mon
Cảm xúc của Ban giám hiệu hai trường
Tình cảm dành tặng cho các thầy cô cắm bản nơi đây 
Học sinh H’Mông mặc váy lễ hội biểu diễn văn nghệ đón đoàn 
Tình yêu khiến chúng ta gần nhau hơn và đẹp hơn 

TTiếp tục ngồi trên chiếc xe u oat của những người dân bản chúng tôi xuất phát tới điểm trường Hua Đán, cũng là điểm lẻ của trường Tà Làng. Nơi đây có cả học sinh người H’Mông và người Thái. Chúng tôi đến được với trường thì trời cũng đã sẩm tối, trường chỉ có 1 dãy lớp học với khoảng 3 đến 4 phòng học. Chuyển đồ xuống khỏi xe tải chúng tôi khẩn trương chuyển quà cho các em. Các em đã đợi chúng tôi lâu quá rồi, nhưng vẫn ngồi ngay ngắn thành hàng trên bãi đất trước lớp học. Chỉ 1 ánh đèn điện thắp sáng nhưng vẫn thấy ấm áp vì những khuân mặt ngây thơ sung sướng hớn hở, đôi mắt long lanh khi thấy chúng tôi đến. Đến nơi đây, Cô Lan Hương quyết định tặng điểm trường Hua Đán 10 triệu đồng để kéo đường nước sạch từ mó nước trên núi về cho các con. Cả đoàn khẩn trương chia 125 xuất quà Tết, chăn, áo len cho học sinh mầm non và tiểu học. Trời tối hẳn, tiếng khèn nổi lên, chúng tôi cùng nhau nhảy những điệu xòe Thái với người dân bản xung quanh vò rượu cần ngọt ngào, say đắm như tình cảm mà con người và khung cảnh nơi đây đã níu giữ chúng tôi. Kết thúc ngày thứ nhất vào lúc 20 giờ 30 phút.

Điểm trường Hua Đán 

Ngày 1 tháng 2: Sáng sớm trên vùng cao, sương nhiều như mưa phùn càng làm trời thêm lạnh. Chúng tôi tỉnh dậy, ai cũng vui và kể lại những câu chuyện ngày hôm qua. Chúng tôi nạp năng lượng và tràn đầy hứng khởi xuất phát đến 2 điểm cuối cùng trong hành trình “Chung tay vì học sinh miền núi”. Gần 12 giờ trưa chúng tôi đến được 2 điểm trường Tả Phình 1 và Tả Phình 2  thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Châu. Đây là điểm lần đầu tiên chúng tôi đặt chân tới, chỉ có 2 phòng học, đa phần là các em học sinh mầm non. Vào phòng học chúng tôi lại càng trân trọng những gì mà các cô giáo vùng cao đã làm được.  Lớp học được trang trí đơn sơ, tất cả đều làm từ đôi bàn tay khéo léo của các cô, phòng học rộng chưa đầy10m nhưng ai cũng muốn vào để trao tận tay các em. Cô bé học sinh đi cùng đoàn chúng tôi đã dùng hết sức của mình thổi lên những quả bóng trao cho các em, món quà nhỏ bé nhưng tôi biết chúng vui lắm và chính cô bé cũng thấy tiếc vì mang không đủ bóng cho các em. Hình ảnh đó in đậm trong tâm trí những người lớn chúng tôi.  

Điểm trường Tả Phình 2

 Hành trình 2 ngày chúng tôi đã hoàn thành tâm nguyện, đó là mang quà đi và trao tận tay cho các em học sinh vùng cao. Về xuôi nhưng tôi tin rằng mọi thành viên trong đoàn ai cũng  tự hứa với lòng mình sẽ quay trở lại mảnh đất khó khăn, nơi cần chúng tôi giúp đỡ, chia sẻ này. Chuyến thiện nguyện đã để lại nhiều kỉ niệm trong các thành viên trong đoàn, ai cũng có những ấn tượng riêng, nhưng chắc chắn tất cả đều chung một suy nghĩ đó là đem niểm vui đến cho người khác là làm cuộc sống của chính mình ý nghĩa hơn.
Cô Hương đã chia sẻ với chúng tôi – những đoàn viên trẻ của Tiểu học Trung Văn  “Nếu còn sức lực thì sẽ còn tiếp tục những chuyến đi”. Hãy cho đi bạn sẽ nhận được rất nhiều, bạn và tôi sẽ là người giàu có và hạnh phúc nhất trên đời. Xin được cảm ơn Các anh chị trong Hội cháo Từ thiện Hà Nội, các nhà Báo của Báo Nhi Đồng, Các nhà báo trong Đài truyền hình Việt Nam VTV2, Nhóm Bình Yên, PHHS của nhà trường, những người bạn,  đã đồng hành, góp sức và chia sẻ với Trung Văn làm nên những chuyến đi dành tặng cho học sinh vùng cao./.

Trung Văn, tháng 2 năm 2015